V-Member Interview Vol 1: “Hành trình theo đuổi đam mê”

V-Member Interview Vol 1: “Hành trình theo đuổi đam mê”

—- Q1. Chào Kiên, trước tiên bạn có thể giới thiệu sơ qua về bản thân (tên tuổi, nơi ở, nghề nghiệp, kinh nghiệm, sở thích,..) cho bạn đọc cùng biết được không?

Chào mọi người, mình tên là Nguyễn Trung Kiên, 24 tuổi, quê quán Hà Nội, sở thích nghe nhạc, đá bóng…, công việc hiện tại là lập trình viên kiêm BrSE, đang sống làm làm việc tại Tokyo.

Người phỏng vấn: 

Chia sẻ thêm chút với các bạn sở thích khác nữa của Kiên đó là chụp ảnh với cây cỏ hoa lá chim muông nên tâm hồn bạn ấy cũng trong trẻo và đầy mộng mơ lắm à ^^

—- Q2. Kiên có thể chia sẻ thêm về công việc hiện tại đang làm không?

Hiện tại mình được cử đến công ty khách hàng làm việc, công việc chính là làm việc cùng offshore để maintain dự án cho khách. Cụ thể, ngoài công việc code, mình cũng hỗ trợ team trong việc nhận các requirement từ khách hàng đưa về cho đội phát triển ở offshore phía Việt Nam.

—- Q3. Cơ duyên nào đưa bạn đến với ngành IT đầy cạnh tranh này vậy?

Nói đến cơ duyên đưa mình đến với ngành IT thì đó là 1 điều tình cờ và bất ngờ. Vì là dân ngành kinh tế nên vốn dĩ sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, mình sẽ phải chọn công việc nào đó thuộc khối ngành này tuy nhiên trước khi tốt nghiệp tình cờ mình có quen một vài anh chị làm trong ngành IT. Trong thời gian tiếp xúc và tìm hiểu thêm về ngành IT này, mình thực sự cảm thấy có hứng thú trong việc “tự tay mình có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ có ích” của anh chị đi trước chia sẻ. Đó cũng là lý do khiến mình quyết định thử sức chuyển sang 1 lĩnh vực hoàn toàn mới so với những gì mình được đào tạo ở trường đại học.

—- Q4. Dù xuất thân là dân kinh tế nhưng lại rất đam mê tìm tòi và học hỏi các công nghệ mới, bạn có thể chỉ cho bạn đọc 1 vài cách vượt qua những khó khăn mà bạn gặp phải khi vừa phải hoàn thành việc học trên trường, vừa học thêm một chuyên ngành mới hoàn toàn không liên quan được không?

Việc chuyển sang 1 lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến chuyên ngành được đạo tạo chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, ví dụ như không biết bắt đầu từ đâu, không có nền tảng hay chưa có định hướng rõ ràng. Điều này dễ dẫn tới việc học lan man và không có hiệu quả. Cũng may mắn là mình nhận được sự hướng dẫn và định hướng nhiệt tình từ phía các anh chị senior đi trước trong giai đoạn đầu khó khăn này. Điều quan trọng trong ngành IT mà mình cảm thấy được là bạn cần phải có khả năng chủ động tìm tòi, giải quyết vấn đề, tuy nhiên, nếu nghiên cứu mãi mà chưa có hướng giải quyết, lúc này bạn không được giấu diếm mà cần xin những suggest từ phía senior ngay. Bật mí với mọi người là những anh chị làm IT rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ bạn học và làm việc nhé ;). Còn về việc tại sao mình có thể vừa hoàn thành việc học kinh tế trên trường vừa có thể học thêm 1 chuyên ngành mới thì cũng không có gì đặc biệt, mình chỉ đơn giản dùng thời gian buổi tối hay những ngày nghỉ để tìm tòi mà học thôi 😀

—- Q5. Kiên từng có một thời gian làm việc tại Việt Nam trước khi sang Nhật, vậy theo bạn môi trường làm việc ở Nhật có gì khác so với Việt Nam?

Điều khác biệt lớn nhất mình thấy có lẽ là cách thức làm việc của 2 nước. Ở nhật, mọi khâu trong quá trình phát triển luôn được đảm bảo được diễn ra tuần tự, sản phẩm trước khi release đều được review rất kĩ lưỡng. Điều này thì ở Việt nam có lẽ chưa được như thế. Mình thấy nhiều khi ở việt nam có hơi lơ là trong các khâu kiểm duyệt chất lượng sản phẩm. Có lẽ đây là điều mà các công ty ở Việt Nam cần học hỏi các công ty Nhật.

—- Q6. Sau một thời gian làm việc, bạn thấy có điểm gì cần lưu ý khi làm việc với khách hàng Nhật?

Có một vài điểm mình nghĩ rằng nên lưu ý thế này:

– Người nhật thích sự rõ ràng. Vì vậy khi làm tài liệu, mọi thứ cần rõ ràng, đầy đủ, dễ đọc.

– Người nhật coi trọng tính kỉ luật trong 1 tập thể nên bạn cần đảm bảo về vấn đề giờ giấc.

– Với 1 sản phẩm công nghệ được coi là hoàn thành không chỉ bởi thỏa mãn kết quả hoạt động trực quan là đủ, mà nó còn là chất lượng trong việc code được tối ưu hóa, dễ bảo trì….

Người phỏng vấn: 

Có một điều phải công nhận rằng người Nhật nổi tiếng nghiêm khắc trong công việc, nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã mang đến cho họ những thành công mà không phải ở đâu cũng làm được. Cá nhân mình cũng nhận thấy điều này rất rõ rệt, đặc biệt trong văn hóa công sở của người Nhật ví dụ như là luôn luôn đúng giờ hay không để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng,… chẳng hạn.

—- Q7. Hiện tại Kiên có hài lòng về mình không? và dự định tiếp theo trong 3 năm tới của bạn là gì?

Tính đến thời điểm này mình cảm thấy vui vì phần nào những nỗ lực của mình có có những thành quả nhất định. Tuy nhiên để nói hài lòng thì chưa. Mình nhận thấy bản thân còn nhiều thứ cần phải học và phát triển thêm. Trong 3 năm tới, mình muốn trau dồi thêm kĩ năng kĩ thuật, học thêm 1 vài công nghệ mới và nâng cao khả năng sử dụng tiếng nhật.

—- Q8. Theo bạn thì những bạn sinh viên non IT sắp tốt nghiệp ra trường mà muốn chuyển hướng sang lĩnh vực CNTT thì cần chuẩn bị trước những gì?

Theo mình không chỉ riêng ngành IT mà bất kì ngành nào khác, điều quan trọng nhất là bạn cần có đam mê và động lực. Nếu bạn có đủ đam mê và có trong mình động lực để phấn đấu thì dù có là một lĩnh vực hoàn toàn mới đi chăng năng, bạn vẫn có thể học và làm được.

—- Q9. Có một câu nói mà mình nghe được từ một doanh nhân: “Cơ hội luôn có, nhưng không chờ đợi ai”. Bạn nghĩ sao về điều này?

Mình chưa nghe câu này 😀 nhưng mình nghĩ thực sự nó rất đúng. Cơ hội luôn có, nhưng không có nghĩa là bạn được phép ỷ lại, trước khi nắm bắt nó, bạn phải có quyết tâm và trang bị cho mình đầy đủ những hành trang cần thiết. Cơ hội đã đến với mình – 1 người từ lĩnh vực hoàn toàn khác biệt với IT, thì không có lí gì cơ hội không đến với bạn cả 😉 keep calm and try hard (y)

Hình ảnh: Kiên (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng anh em trong CLB Futsal VTI FC

—- Q10. Câu hỏi cuối cùng, bạn có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ khi mới đặt chân đến nước Nhật không? (kỉ niệm vui, buồn đều được)

Có một lần mình trả lời sai khi đi ăn trưa cùng mọi người trong team. Khi được hỏi: “何名様ですか?” mình lại nhanh nhẩu trả lời: “3名様です。” ;)).

Ưu điểm của mình là nhanh, nhược điểm của mình là quá nhanh dẫn tới trả lời nhanh nhẩu mà không suy nghĩ gì ;)). Thế mới thấy tiếng nhật khó và mình còn cần phải trau dồi thêm nhiều 😀

Người phỏng vấn:

Xin chúc mừng Kiên vì bạn không đơn độc 😀 Mình cùng từng nhanh nhẩu ẩu đoảng như vậy đó!

Cảm ơn Kiên về những chia sẻ hết sức thiết thực và hữu ích. Hy vọng với những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những băn khoăn trăn trở của những bạn trẻ còn đang mơ hồ về con đường sự nghiệp phía trước.

Thay cho lời kết, chúc Kiên gặt hái thật nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *