Tất tần tật về PMP : Phần 1 – Hiểu đúng – Quyết định đúng

Tất tần tật về PMP : Phần 1 – Hiểu đúng – Quyết định đúng

Chào các bạn, đầu tháng 9 vừa rồi mình mới lấy được chứng chỉ PMP, vì thế mình cũng muốn viết một bài chia sẻ với anh chị em về chủ đề này. Hy vọng qua bài chia sẻ này của mình, các bạn sẽ có thêm những hiểu biết cơ bản về chứng chỉ PMP, và biết làm thế nào để lấy được nó.

![](http://vtitech.vn/wp-content/uploads/2019/09/abc-300x75.jpeg)

1. Mình đến với PMP như thế nào ?

Từ khóa này đập vào mắt mình lần đầu tiên vào năm 2011, khi đang là thực tập sinh code dạo tại FPT Software thông qua một cái mail chiêu sinh cho lớp PMP nội bộ.
Ấn tượng của mình về PMP hồi đấy là chi phí thi quá đắt đỏ (~ 500$) và cũng chỉ dành cho … PM nhà người ta :)) . Điều kiện để được tham gia cái lớp luyện thi PMP kia cũng rất cao, yêu cầu toàn PM level 2, 3 gì đó và luyện trong vòng nửa năm thì phải. Thế nên cái cụm từ PMP nó để lại ấn tượng trong mình đây là chứng chỉ quá khó, chỉ dành cho … con nhà người ta.

Lần thứ hai từ khóa PMP đập vào mắt mình là cách đây khoảng 2 năm, khi mình đọc một bài báo về các chứng chỉ được trả lương cao ngất ngưởng, thì lúc đấy chứng chỉ được trả lương cao nhất là AWS Certified Solutions Architect – Associate mới soán ngôi vị số 1 của Project Management Professional (PMP®). Sau một thời gian so sánh và tìm hiểu, mình đã quyết định học thi AWS CSAA vì chứng chỉ này đang hot, theo thống kê thì được trả lương cao hơn, và dễ học thi hơn chứng chỉ nhà người ta.

Lần thứ 3 mình gặp từ khóa PMP là khi nhận được namecard từ các bác trưởng phòng của công ty khách hàng trong một buổi họp. Rất ấn tượng vì namecard của tất cả các bác trưởng phòng đều có logo PMP. Khi đó chỉ nhìn qua đã thấy họ rất chuyên nghiệp rồi chứ chưa cần phải nói chuyện công việc, còn namecard của mình thì trống trơn, khá là xí hổ.
Chưa kể là phong trào học thi chứng chỉ tại VTI khá mạnh, người người học thi chứng chỉ nọ, nhà nhà học thi chứng chỉ kia khiến cho anh em nào chưa định lấy thêm chứng chỉ ( như mình lúc đó ) sẽ cảm thấy bồn chồn, sốt ruột… Và thế là mình quyết tâm phải lấy thêm chứng chỉ nào đó để bằng anh bằng em.

Chính những điều đó đã thúc đẩy trong mình suy nghĩ về việc lên kế hoạch để lấy chứng chỉ nhà người ta về làm chứng chỉ nhà mình. Và hành trình lấy PMP của mình bắt đầu từ đây.

2. PMI là gì ? PMP là gì ? Lợi ích của PMP ?

Chắc hẳn nhiều bạn giống như mình hồi đầu khi tiếp cận các kiến thức này, thấy có người nói về chứng chỉ PMI, thấy có người nói về chứng chỉ PMP. Vậy cái nào là đúng ?

PMI là gì ?

PMI là viết tắt của Project Management Institute – Viện quản lý dự án. Là tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho việc nghiên cứu, phát triển quản lý dự án, có trụ sở đặt tại Mỹ và được thành lập từ năm 1969.
Hiện tổ chức này đang cung cấp các kỳ thi và chứng chỉ chứng nhận chuyên môn sau.

  1. Project Management Professional (PMP®)
  2. Program Management Professional (PgMP®)
  3. Portfolio Management Professional (PfMP®)
  4. Certified Associate in Project Management (CAPM®)
  5. PMI Professional in Business Analysis (PMI-PBA®)
  6. PMI Agile Certified Practitioner (PMI-ACP®)
  7. PMI Risk Management Professional (PMI-RMP®)
  8. PMI Scheduling Professional (PMI-SP®)

Về thống kê số lượng những người có các chứng chỉ của PMI thì như bên ảnh dưới. Mình cũng không tìm được nguồn nào nói chính xác xem có bao nhiêu người Việt Nam có chứng chỉ PMP. Nhưng trước mình có tham khảo trên các trang như là Việt PMP, cộng động PMP thì các anh đề cập đến con số khoảng ~600 người.

![undefined](https://i.imgur.com/mzKEPDt.png)

PMP là gì ?

Đến đây các bạn chắc cũng đã nắm được PMP là gì rồi phải không? PMP là viết tắt của Project Management Professional – Chứng chỉ PMP là chứng chỉ quản lý dự án được thế giới đánh giá là thông dụng nhất, uy tín nhất, ra đời từ năm 1984. Chứng chỉ này được cấp cho các PM thuộc đa ngành nghề như là IT, xây dựng, sản xuất …
Không giống các chứng chỉ khác chỉ cần làm bài thi là xong. Để đủ tiêu chuẩn thi PMP thì các bạn phải thỏa mãn một số điều kiện khắt khe từ vòng nộp hồ sơ. Cụ thể về điều kiện để dự thi PMP mình sẽ viết ở phần 3.

Lợi ích của PMP ?

Cá nhân mình thấy sau quá trình học thi PMP, kiến thức về quản lý dự án của mình tăng đáng kể. Góc nhìn của mình khi gặp các vấn đề trong dự án cũng rộng hơn. Namecard có logo PMP nhìn cũng oách hơn :)).
Trước khi có PMP, mình có tham khảo trên mạng thì các nguồn khác cũng viết về lợi thế của việc có PMP như sau

  • Được quốc tế công nhận năng lực trong quản lý dự án: Đạt được chứng chỉ PMP, tên của bạn sẽ được nằm trong nhóm những chuyên gia quản lý dự án uy tín được cộng đồng quốc tế công nhận và chứng tỏ bạn có một nền tảng kiến thức quản lý dự án vững chắc để sẵn sàng ứng tuyển vào vị trí công việc tại các tập đoàn đa quốc gia.
  • Đạt được mức lương tốt hơn: Trong một cuộc khảo sát 30.000 Quản lý dự án của PMI năm 2011, chuyên gia quản lý dự án có chứng chỉ PMP ở Hoa Kì có thu nhập trung bình khoảng $111.824 một năm. So sánh với Quản lý dự án không có chứng chỉ thu nhập chỉ từ $97.829 đến dưới $14.000 một năm.
Quản lý dự án cũng có xu hướng cảm thấy chắc chắn hơn về thu nhập trong tương lai của họ. Cũng trong cuộc nghiên cứu trên, có 76% Quản lý dự án mong rằng lương của họ sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới, chỉ có 2% mong muốn lương giảm đi.
  • Gia tăng cơ hội công việc: Bất kể là bạn đang tìm kiếm công việc quản lý dự án hay chỉ mới bắt đầu sự nghiệp quản lý dự án, bạn nên thêm vào hồ sơ chứng chỉ PMP. Tất nhiên những kinh nghiệm thực tế của bạn có giá trị cao hơn nhưng chứng chỉ PMP vẫn giúp ích rất nhiều. Vì sao ư? Vì các nhà tuyển dụng dùng nó để thu hẹp phạm vi ứng cử viên lại.
Để sáng lọc hồ sơ ứng tuyển, nhiều nhà tuyển dụng chia hồ sơ thành hai nhóm: nhóm có chứng chỉ PMP và nhóm không có chứng chỉ PMP. Như vậy sẽ có nhiều khả năng doanh nghiệp bỏ sót các chuyên gia quản lí dự án nhưng thực tế đây không phải là vấn đề quá lớn. Vì ngày nay có đủ Quản lý dự án với chứng chỉ PMP mà không cần phải xem xét kĩ càng những ứng viên không có chứng chỉ.
Tuy nhiên, chứng chỉ PMP không phải là yêu cầu tiên quyết, nó chỉ giúp hồ sơ của bạn tăng tính cạnh tranh hơn thôi!
  • Được công nhận bởi những tập đoàn hàng đầu thế giới: Chứng chỉ PMP được công nhận chính thức bởi những tổ chức hàng đầu thế giới (Microsoft, IBM, American Express..) họ đã công nhận chứng chỉ PMP và khuyến khích những giám đốc dự án của họ lấy chứng chỉ PMP. Điều này nói lên rằng chứng chỉ PMP là một tiêu chuẩn cho các giám đốc dự án.

3. Điều kiện để thi PMP ?

Như ở phần trước mình đã nói, điều kiện để thi PMP tương đối khắt khe, không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn. Nếu như nội dung bạn khai láo, để PMI check ra thì có thể mất tiền mà không được thi. Để thi PMP thì thí sinh bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về học vấn cũng như là yêu cầu về kinh nghiệm nghề nghiệp.

Yêu cầu học vấn Yêu cầu kinh nghiệm Yêu cầu kiến thức quản lý dự án
Tốt nghiệp Trung Học, cao đẳng Tối thiểu 5 năm kinh nghiệm quản lý dự án , tương đương với 7500 giờ làm quản lý. 35 giờ học quản lý dự án chính thức do các đối tác chính thức của PMI tổ chức.
Tốt nghiệp Đại Học Tối thiểu 3 năm kinh nghiệm quản lý dự án, tương đương với 4500 giờ làm quản lý.

Nếu như bạn chưa đáp ứng được về yêu cầu kinh nghiệm tương ứng với trình độ học vấn thì bạn có thể chờ cho đến lúc đủ yêu cầu để thi. Hoặc bạn có thể chuẩn bị trước cho kỳ thi PMP bằng việc học các kiến thức này sớm, cũng như là thi chứng chỉ Certified Associate in Project Management (CAPM®).
Còn về yêu cầu 35 giờ học quản lý dự án chính thức thì cũng đơn giản thôi. Mình sẽ hướng dẫn ở các phần sau.
Ngoài ra về lệ phí thi PMP thì đang chia làm 2 loại là Member của PMI và Non-member.

  • Non-member : 555$
  • Member : 405$ + PMI Membership Fee (1 năm) : 129$ = 534$

Nhìn bảng giá trên cũng có thể thấy là member của PMI dù có bao gồm 1 năm membership đi nữa thì vẫn rẻ hơn việc không đăng ký. Chưa kể là có rất nhiều lợi thế khác như là có thể download PMBOK miễn phí (thật ra cũng có thể down lậu), tham gia các event của PMI, rồi thì chẳng may lần đầu tiên toạch thì các các lần thi tiếp theo chỉ mất 405$.
Chắc chắn là ai thi PMP cũng chọn option là đăng ký membership để có nhiều quyền lợi. Mình cũng không hiểu ý nghĩa của việc cho chọn option non-member là gì, nếu rẻ hơn thì đã đành – bạn nào biết thì phản hồi lại cho mình với nhé 😀

4. PMP có khó không ? Vốn tiếng anh như thế nào là đủ ?

PMP có khó không ? Thật ra để trả lời câu hỏi này thì cũng không thể nói là nó rất khó, khó vừa, hay là dễ được cả. Vì base của mỗi người là khác nhau, và độ khó dễ cũng là do cảm nhận của từng người. Do đó mình sẽ raise các vấn đề mà mình gặp phải trong quá trình lấy PMP, rồi sau đó chúng ta sẽ cùng chốt xem là nó dễ hay khó.

Áp lực về thời gian

Bạn có sẵn sàng dành ra khoảng 300 – 400 giờ trong 6 tháng tới để học ? Theo thống kê từ nhiều nguồn thì khoảng thời gian một người học từ zero đến lúc lấy được PMP thường mất 300~400 giờ để tập trung học. Cũng có nhiều bạn cũng mất khoảng 300~400 giờ để học, nhưng sau khoảng thời gian này thì kiến thức đọng lại trong đầu cũng không được bao nhiêu. Tại vì các bạn không tập trung mà để xao nhãng bởi những lý do khác nhau như công việc, gia đình, người yêu, bồ bịch, em gái mưa nắng … 😉
Còn giới hạn 6 tháng mà mình đặt ra ở trên thì sao ? Thực tế là khi học tập trung triền miên ngày này qua ngày khác, trong 2 tháng đầu tiên mình còn cảm thấy chịu được. Đến tháng thứ 3 thì mình rất stress, có cảm giác kiến thức bắt đầu tan chảy ngay trong đầu. Mình có đọc các bài viết khác ở trên mạng thì họ cũng suggest học nhanh rồi thi càng sớm càng tốt, chứ để triền miên thì không hiểu quả, để lâu ngoài việc nhanh quên thì còn khiến người học rất mệt mỏi vì không biết bao giờ mới xong.
Như bản thân mình thì bắt đầu học vào ngày 1/6/2018 và làm hồ sơ vào ngày 17/8/2018. Lúc đầu mình định plan đầu tháng 10 thi, nhưng do không chịu nổi sự chán nản của việc ôn luyện mà vẫn phải làm các công việc khác nên quyết định liều ăn nhiều, xuống núi sớm 1 tháng – Cũng may là đã pass nên mới ngồi đây chém gió với các bạn được :'(

 

Chi phí cao

Chi phí cho việc thi PMP ngoài lệ phí thi 500$ thì các bạn phải tính thêm chi phí các khóa học khác để lấy 35 Contact Hours, rồi thì chi phí mua account simulator để luyện thi, chi phí tài liệu – Nếu may mắn pass ngay lần đầu tiên thì chắc các bạn cũng phải mất khoảng 1000$. Còn nếu max đen trượt suốt thì có thể thi đến 3 lần nên trong một năm nên chắc cũng chỉ tốn tối đa khoảng 2000$/năm là cùng 😎 …
Có một thực tế là trong số 5 người thi PMP lần đầu thì trung bình có khoảng 3 người đỗ. Như vậy là tỉ lệ đỗ lần thi đầu tiên khoảng 60%, tỉ lệ này không cao nên nó cũng tạo thành áp lực mất tiền khá lớn đối với tất cả những ai học thi.

OMG! No Dump

Một vấn đề khiến những ai học thi gặp áp lực là việc THI PMP KHÔNG CÓ DUMP! Mình xin nhắc lại là KHÔNG HỀ CÓ DUMP.
Như hồi mình thi AWS CSAA, ngoài việc phải tự học thì luyện dump cũng đã support mình trả lời đúng khoảng 30% rồi. Nhưng với PMP thì tất cả các câu hỏi mình ôn luyện đều không giống với những gì mình gặp trong bài thi. Do đó các bạn phải ý thức được rằng đề thi 200 câu sẽ hoàn toàn là những câu hỏi mới với bạn. 100% các câu hỏi sẽ ở dạng tình huống, và bạn sẽ phải động não suy nghĩ hoàn toàn cả 200 câu hỏi trong đề thi chứ không thể học khái niệm như máy rồi vào tích đáp án.

Sách mới, đề thi mới

Bắt đầu từ cuối tháng 3 năm nay thì đề thi PMP đã thay đổi lại và map theo sách PMBOK v6. Chính vì thế nên nhiều tài liệu, tool đang map với PMBOK v5 sẽ không còn dùng được. Bạn sẽ phải học theo sách mới để thi đề mới.
 Nguồn tài liệu tham khảo đã ít lại càng ít đi khi gần đây mình nhận được tin là trang pmstudy – 1 trang cung cấp các đề mock với lối ra đề gần sát với đề thi thật nhất đã chính thức đóng cửa section PMP.

Tiếng Anh cần tương đương TOEIC 900?

Vấn đề cuối cùng mà mình muốn nói đến ở đây là vốn tiếng anh (Nếu các bạn có khả năng học bằng các ngôn ngữ khác thì không cần đọc phần này).
Theo mình nếu như tiếng anh của bạn không được TOEIC ~900 thì bạn nên quên việc thi PMP đi!
Mình đùa đấy 😛 Thực tế thì level tiếng anh để thi PMP cũng chả có chuẩn nào cả. Nhưng nếu như bạn có khả năng đọc hiểu các tài liệu tiếng anh thì là OK thôi.
Trong quá trình học PMP bạn sẽ gặp rất nhiều các thuật ngữ mới – Việc nắm vững các thuật ngữ này là điều kiện cần để thi PMP.
Mình làm thị trường tiếng Nhật nhiều năm nay nên khả năng tiếng Anh của mình rất hạn chế, nhưng trong quá trình học và luyện tập, mình sử dụng từ điển, internet để tra cứu đến khi hiểu thì thôi nên không gặp vấn đề gì nhiều.
Chỉ có một vấn đề là tốc độ đọc hiểu tiếng anh thì các bạn cần phải chú ý. Như level tiếng anh của mình thì 4 tiếng làm cũng vừa khít 200 câu. Có nhiều anh chị tiếng anh tốt, chỉ mất 3 tiếng cho 200 câu, trong quá trình luyện mock thì các bạn có thể do được những thông tin này chính xác hơn.

Những vấn đề nêu trên của mình có làm các bạn cảm thấy khó khăn không? Nếu không thì xin chúc mừng các bạn đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để thi PMP.
Đối với mình thì mình chỉ muốn nói là PMP không khó như mình đã từng nghĩ. Ở bài tiếp theo trong series này mình sẽ chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm học thi của mình, về bí kíp from zero to hero mà mình đã ngộ ra trong quá trình vùi đầu vào sách vở…

1 個のコメント

  • Bạn ơi,
    Bạn có thể chia sẻ cuốn Rita Mulcahy’ PMP exam Prep – 9th Edition được không vậy :)?
    Cảm ơn bạn nhiều.
    Thuy

  • Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *