Trí tuệ nhân tạo tiếp tục giữ vai trò động lực then chốt trong làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, thúc đẩy những bước tiến vượt bậc từ phát triển phần mềm, sản xuất thông minh đến trải nghiệm số trong đời sống thường nhật. Cùng VTI Techblog điểm qua những xu hướng nổi bật và đột phá công nghệ đang góp phần vẽ nên diện mạo tương lai số rõ nét hơn từng ngày nhé!
1. Những điểm nhấn nổi bật về AI trong nửa đầu năm 2025
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo chứng kiến nhiều “bom tấn”: Google giới thiệu Gemini 2.5 Pro, Meta tung Llama 4, OpenAI ra mắt GPT‑4.1, nhưng ấn tượng nhất là R1 của DeepSeek – mô hình suy luận mã nguồn mở giúp rút gọn chi phí đáng kể. Đầu năm, chính quyền Mỹ dưới thời Trump khởi động Stargate – dự án hạ tầng AI trị giá 500 tỷ USD, thu hút sự chú ý toàn cầu và gây tranh cãi với phát ngôn của Elon Musk. Một dấu mốc khác là chế độ AI Mode mới của Google Search công bố tại Google I/O cuối tháng 5, chuyển đổi trải nghiệm tìm kiếm truyền thống. Trong khi đó, OpenAI kết hợp cùng Jony Ive phát triển “bạn đồng hành AI” không cần màn hình, hứa hẹn tương lai thiết bị AI gắn liền cuộc sống người dùng. Meta cũng đẩy mạnh cuộc đua AI, đầu tư 14 tỷ USD vào Scale AI và chi mạnh để thu hút nhân tài, cạnh tranh trực tiếp với OpenAI.
2. AI giống nhau, nhưng giá trị khác biệt đến từ con người
Tại hội thảo về đổi mới sáng tạo và AI ngày 24/6 ở Hà Nội, ông Bùi Minh Tuấn (Chủ tịch YESI) nhấn mạnh: “AI là công cụ chung, nhưng cách mỗi doanh nghiệp sử dụng mới tạo nên khác biệt”. Báo cáo McKinsey cho thấy 70% doanh nghiệp Việt Nam đã thử ứng dụng AI, nhưng chỉ 23% triển khai hiệu quả – phản ánh rõ khoảng cách giữa việc "có công cụ" và "biết dùng công cụ". Ông Nguyễn Tấn Đạt (CEO Tekmind) cũng chỉ ra các nguy cơ như thông tin sai lệch do AI tạo ra và lỗ hổng pháp lý về bản quyền. Về phía quốc tế, Nvidia đã mở trung tâm R&D tại Hà Nội từ 2024, trong khi Qualcomm khai trương trung tâm AI ở TP.HCM vào tháng 6/2025, kết hợp đào tạo kỹ sư từ năm 2 đại học và cam kết tuyển dụng. Trong nước, VOVedu, Tekmind và YESI đã ký kết triển khai khóa học ứng dụng AI vào báo chí, trang bị kỹ năng thực chiến và công cụ như Google AI Studio, NotebookLM cho phóng viên và biên tập viên. Các chuyên gia thống nhất rằng năng lực AI không nằm ở công nghệ, mà ở con người – những người biết tận dụng AI để sáng tạo, giải quyết vấn đề và tạo giá trị thực tiễn.
3. Cuộc đấu mới trong điện toán đám mây: “Big Three” đã không còn là độc tôn
Năm 2025 đang chứng kiến những bước chuyển mới xoay quanh thế độc quyền của ba gã khổng lồ đám mây AWS, Azure và Google Cloud. Cloudflare và Oracle đang nổi lên như hai thế lực cạnh tranh đáng chú ý - dù theo những hướng rất khác nhau. Cloudflare ra mắt dịch vụ beta Cloudflare Containers, cho phép triển khai ứng dụng container hóa trực tiếp lên mạng lưới edge toàn cầu, hướng đến trải nghiệm phát triển đơn giản và tốc độ phản hồi cực thấp—điều mà các nhà phát triển đánh giá rất cao so với sự phức tạp của AWS hoặc Azure. Trong khi đó, Oracle tận dụng lợi thế từ lượng dữ liệu doanh nghiệp lớn tích lũy lâu nay, tập trung vào đám mây tích hợp AI để biến khối dữ liệu “nặng” thành động lực phát triển mạnh mẽ . Điều này mở ra kỳ vọng về một tương lai mở hơn cho việc lựa chọn nền tảng đám mây, vượt ra ngoài “Big Three” truyền thống.
4. AI đang thay đổi cách viết và quản lý hạ tầng bằng mã (IaC)
AI sinh tạo (Generative AI) đang tái định nghĩa cách các tổ chức viết cấu hình hạ tầng như mã (IaC) — không chỉ giúp DevOps viết Terraform, Ansible, Kubernetes nhanh hơn mà còn mở ra làn sóng tự động hóa và giám sát hạ tầng tích hợp AI. Ban đầu, các lập trình viên cá nhân dùng ChatGPT hay Copilot để tạo config nhanh; giờ đây, nhiều tổ chức lớn đang triển khai hệ thống “AI playground” và wrapper tùy chỉnh tích hợp chính sách nội bộ, định danh và mô-đun chuẩn nhằm giảm sai sót và drift trong mã IaC. Tuy nhiên, điều đáng lo là AI thiếu ngữ cảnh tổ chức — dẫn đến mã đúng cú pháp nhưng sai logic, như mở public access cho storage bucket mặc nhiên — một rủi ro bảo mật phổ biến hơn 90% trường hợp thực tế. Do đó, các chuyên gia cho rằng AI nên được xem như “kỹ sư tập sự”: hỗ trợ tạo cấu hình nhanh nhưng cần kiểm duyệt bởi con người, kết hợp sandbox và điểm kiểm policy chặt chẽ để đảm bảo an toàn và phù hợp môi trường doanh nghiệp.
5. Zig: Kẻ kế nhiệm C đang được giới lập trình săn đón
Zig là một ngôn ngữ lập trình hệ thống hiện đại được phát triển từ năm 2015 với mục tiêu thay thế C theo hướng đơn giản, an toàn và hiệu quả hơn. Ngôn ngữ này có cú pháp tối giản, không dùng macro hay tiền xử lý, hỗ trợ quản lý bộ nhớ thủ công rõ ràng và cung cấp các tính năng mạnh mẽ và thực thi mã ngay tại thời điểm biên dịch. Zig cũng cho phép dễ dàng tương thích và sử dụng lại mã C/C++, đồng thời hỗ trợ biên dịch đa nền tảng mà không cần công cụ phụ trợ. Dù chưa ra mắt bản 1.0, Zig đã được nhiều dự án lớn như Bun.js và TigerBeetle tin dùng nhờ hiệu suất cao và trải nghiệm lập trình rõ ràng, kiểm soát tốt.
Chuyên mục Tech News - thứ 5 hàng tuần trên VBS
(Nguồn: Sưu tầm)
Leave a Reply